Loạt bài viết liên quan đến chủ đề: TÍN CHỈ CARBON: VŨ KHÍ CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Kỳ 1 được tác giả lược dịch từ được lấy thông tin và lược dịch một phần từ báo cáo Emissions Gap Report 2023 của the United Nations Environment Programme.

 

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng, tốc độ và quy mô của các kỷ lục khí hậu bị phá vỡ. Trong năm 2023, đã có 86 ngày trong năm với mức tắng nhiệt độ vượt quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Tháng 9 không chỉ là tháng nóng nhất từ trước đến nay, mà còn vượt qua kỷ lục trước đó với mức tăng chưa từng có là 0,5°C, với mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,8°C so với mức tiền công nghiệp. Những kỷ lục này được đi cùng với các sự kiện cực đoan tàn phá, mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo rằng đó chỉ là một sự khởi đầu “nhỏ”. Mặc dù các kỷ lục này không thể khẳng định rằng thế giới đã vượt quá giới hạn nhiệt độ 1,5°C được quy định trong Hiệp định Paris, áp dụng cho mức độ nóng lên toàn cầu dựa trên trung bình nhiều thập kỷ, nhưng chúng cho thấy chúng ta đang ngày càng gần hơn.
Theo báo cáo Emissions Gap Report (EGR) 2023 của the United Nations Environment Programme, không chỉ các kỷ lục nhiệt độ tiếp tục được phá vỡ - tổng lượng phát thải khí nhà kính (Greenhouse Gas - GHG) toàn cầu và nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển cũng đã lập kỷ lục mới vào năm 2022. Do việc thực hiện giảm phát thải không được triển khai một cách nghiêm ngặt ở các nước có thu nhập cao và mức phát thải cao (những nước chịu trách nhiệm lớn nhất đối với phát thải trong quá khứ) và không hạn chế sự tăng trưởng phát thải ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình (chiếm phần lớn lượng phát thải hiện tại), những biện pháp đối phó chưa từng có từ trước đây của tất cả các nước là vô cùng cần thiết và cấp bách. Đối với các nước có thu nhập cao, cần tăng tốc độ giảm phát thải nội địa, cam kết đạt mức tiêu thụ net zero càng sớm càng tốt, sớm hơn so chỉ tiêu đã đặt ra trước đây. Đồng thời, các nước này cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đối với các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, việc triển khai phát triển kinh tế xã hội cần được thực hiện song song với việc chuyển đổi sử dụng năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn thay thế khác. Hơn nữa, sự trì hoãn thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát thải nghiêm ngặt tại các nước có thể làm tăng sự phụ thuộc vào việc loại bỏ carbon dioxide (Carbon Dioxide Removal - CDR) từ khí quyển trong tương lai. Tuy nhiên, cần xét đến trường hợp các biện pháp CDR quy mô lớn này trong tương lai có thể không còn khả thi. Do đó, việc triển khai các giải pháp cho các nước để CDR cần được thống nhất và thực hiện ngay lập tức.
1. Phát thải khí nhà kính toàn cầu đã lập kỷ lục mới là 57,4 gigaton CO2 vào năm 2022
Lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu tăng 1,2% từ năm 2021 đến năm 2022, đạt mức kỷ lục mới là 57,4 gigaton CO2. Tất cả các ngành trừ ngành vận tải đã phục hồi hoàn toàn sau sự suy giảm trong phát thải do đại dịch COVID-19 gây ra và hiện đạt mức cao hơn năm 2019. Phát thải CO2 từ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính góp phần vào xu thế tăng của tổng lượng phát thải, chiếm khoảng hai phần ba lượng phát thải khí nhà kính hiện tại. Phát thải khí methane (CH4), nitrous oxide (N2O) và các khí fluo (F-gases), có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính cao hơn và chiếm khoảng một phần tư lượng phát thải khí nhà kính hiện tại, đang tăng nhanh: vào năm 2022, phát thải F-gas tăng 5,5%, tiếp theo là CH4 tăng 1,8% và N2O tăng 0,9%.
Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ năm 1990 – 2022 (Nguồn: EGR 2023)

Phát thải khí nhà kính trong nhóm G20 cũng tăng 1,2% trong năm 2022. Tuy nhiên, các nước có sự tăng lượng phát thải GHG là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Hoa Kỳ, trong khi đó, Brazil, Liên minh Châu Âu và Nga lại giảm. Tổng cộng, nhóm G20 hiện đang chiếm 76% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Trong năm 2022, lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã tăng. Nguồn cung cấp than, dầu mỏ và điện tái tạo tăng sản lượng, trong khi tiêu thụ khí đốt giảm 3% do khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến ở Ukraine. Nhìn chung, sự tăng trưởng nhu cầu điện năng trong năm 2022 chủ yếu được đáp ứng bởi các nguồn tái tạo (ngoại trừ thủy điện), do năng lực lắp đặt điện mặt trời tăng mức kỷ lục. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu hết các khu vực trên toàn cầu. Trên thế giới, các chính phủ vẫn đang lên kế hoạch sản xuất gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 so với mục tiêu nhiệt độ lâu dài của Hiệp định Paris.
 
2. Lượng phát thải GHG trong quá khứ và hiện tại ở các nước được phân bố không đồng đều, phản ánh sự bất bình đẳng trên thế giới
Lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người ở các lãnh thổ, quốc gia khác nhau có sự khác biệt đáng kể. Lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người trung bình thế giới là 6,5 tấn CO2 (tCO­2e). Lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người ở Liên bang Nga và Hoa Kỳ cao gấp đôi so với trung bình thế giới, trong khi Ấn Độ chỉ dưới mức một nửa. Lượng phát thải trên đầu người tương đối tương đồng nhau ở Brazil, Liên minh Châu Âu và Indonesia, và ở mức gần bằng hoặc thấp hơn so với trung bình của nhóm G20. Trong nhóm G20, lượng phát thải trên mỗi người trung bình đạt 7,9 tCO2e, trong khi các quốc gia đang phát triển nhất trung bình chỉ đạt 2,2 tCO2e và các quốc đảo nhỏ đang phát triển trung bình đạt 4,2 tCO2e.
Trên toàn cầu, 10% dân số có thu nhập cao nhất chiếm gần một nửa (48%) lượng phát thải, trong đó có hai phần ba số người sống ở các nước phát triển. 50% dân số trên thế giới chỉ đóng góp 12% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải và đóng góp vào hiện tượng nóng lên toàn cầu trong quá khức cũng thay đổi đáng kể so với hiện tại giữa các quốc gia và nhóm quốc gia (Hình 2). Gần 80% lượng phát thải CO2 từ các nguồn hóa thạch và từ quá trình thay đổi sử dụng đất, rừng tích lũy trong quá khứ đến từ các nước thuộc nhóm G20, với đóng góp lớn nhất từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, trong khi các quốc gia đang phát triển nhất đóng góp 4%. Dân số Hoa Kỳ chiếm 4% dân số thế giới hiện tại, nhưng đã góp 17% vào hiện tượng nóng lên toàn cầu từ năm 1850 đến 2021, bao gồm cả tác động của phát thải metan và nitơ oxit. Ngược lại, Ấn Độ chiếm 18% dân số thế giới, nhưng cho đến nay chỉ đóng góp 5% vào hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự ảnh hưởng của các quốc gia và nhóm quốc gia đến biến đổi khí hậu
(Nguồn: EGR 2023)

3. Kể từ Hội nghị COP 27, không có sự thay đổi đáng kể nào trong việc thực hiện Cam kết Quốc gia (NDCs). Tuy nhiên, kể từ khi Hiệp định Paris được thông qua, đã có một số tiến bộ trong việc phát triển và thực hiện NDCs cũng như các chính sách nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

09 quốc gia đã nộp các NDCs mới hoặc đã cập nhật kể từ COP 27, nâng tổng số NDCs đã được cập nhật kể từ Hiệp định Paris lên 149 tính đến ngày 25 tháng 9 năm 2023. Hiện nay, ngày càng nhiều các NDCs chứa mục tiêu giảm lượng khí nhà kính (GHG) áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế, bao gồm toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia thay vì chỉ một số ngành công nghiệp cụ thể.
Nếu tất cả các NDCs không điều kiện mới/cập nhật được thực hiện đầy đủ, ước tính rằng đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu có thể giảm khoảng 5,0 GtCO2e (phạm vi: 1,8-8,2 GtCO2e) hàng năm so với NDCs ban đầu. Hiệu ứng kết hợp của các NDCs đã nộp kể từ COP 27 chiếm khoảng 0,1 GtCO2e trong tổng số này. Do đó, mặc dù tiến độ thực hiện của NDCs kể từ COP 27 là không đáng kể, các tiến bộ từ khi Hiệp định Paris được thông qua tại COP 21 vẫn rõ rệt, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về phát thải.
Tiến bộ kể từ Hiệp định Paris cũng rõ ràng hơn về mặt chính sách. Tại thời điểm Hiệp đinh Paris được thông qua, lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 dựa trên các chính sách hiện có được dự báo tăng 16%. Hiện nay, chỉ số này chỉ còn là 3%.
Tiến bộ chính sách đã góp phần giảm khoảng cách thực thi, được xác định là sự khác biệt giữa lượng phát thải dự báo theo các chính sách hiện tại và lượng phát thải dự báo theo việc thực hiện đầy đủ các NDCs. Khoảng cách thực thi toàn cầu cho năm 2030 được ước tính là khoảng 1,5 GtCO2e cho các NDCs không điều kiện (giảm từ 3 GtCO2e trong đánh giá năm 2022) và 5 GtCO2e cho các NDCs có điều kiện (giảm từ 6 GtCO2e năm 2022). Khoảng cách thực thi đối với các thành viên G20 cũng giảm. Tác động của các chính sách mới được thực thi là nhân tố chính đẩy giảm lượng phát thải toàn cầu và dự báo phát thải của G20 vào năm 2030. Các yếu tố khác bao gồm thay đổi trong xu hướng phát thải và tình hình kinh tế xã hội.
Khoảng cách thực thi giữa các chính sách hiện tại và cam kết NDC cho các thành viên G20 cả nhóm và từng quốc gia đến năm 2030, so với lượng phát thải năm 2015

(còn tiếp)

 
 
Huy Bình (lược dịch và tổng hợp)
Nguồn: EGR2023